Trong phiên họp ngày 20-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Dự án Luật đề xuất điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1-8-2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng.

Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu đều đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ về việc đề nghị điều chỉnh thời hạn có hiệu lực từ 1-8 của các luật nhằm góp phần đẩy nhanh việc giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật có liên quan, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) phát biểu

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh còn tồn tại một bộ phận cán bộ có tâm lý sợ sai, không dám chịu trách nhiệm thì việc Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh hoàn thiện các văn bản để đưa các Luật, đặc biệt là Luật Đất đai vào cuộc sống thể hiện tinh thần dũng cảm, không sợ sai, không sợ trách nhiệm. Mặc dù, nếu để 5 tháng nữa các Luật có hiệu lực thi hành thì chắc chắn hơn nhưng lại làm chậm sự phát triển của đất nước.

Thống nhất với việc dự án Luật cần được thông qua để các Luật có hiệu lực sớm, song đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, băn khoăn của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là có cơ sở khi việc các Luật có hiệu lực sớm sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành khi Luật Đất đai 2024 mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết được ban hành.

Không đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) đề nghị cân nhắc thận trọng việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái) thảo luận

Đại biểu cho rằng, tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ sự cần thiết ban hành luật, nhất là hiệu quả kinh tế - xã hội của việc quy định sớm thời hạn hiệu lực của các Luật; thiếu nội dung đánh giá tác động khi ban hành chính sách, nhất là liên quan đến sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đánh giá nguồn lực thực hiện và khả năng tác động đến cân đối ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định khi triển khai một số chính sách mới như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Hơn nữa, thời hạn hiệu lực thi hành của các luật được đẩy sớm hơn 5 tháng là không nhiều trong khi có rất nhiều văn bản cần quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương...

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn chi tiết thực thi các luật cần có thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng; cần thời gian để tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức thực thi chính sách và bảo đảm công tác tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp.